Cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên

Cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên theo quy định pháp luật

Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, quản tài viên luôn đóng một vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn của thủ tục phá sản. Vậy việc cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên được quy định như thế nào?

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với trường hợp quy định tại khoản 1 điều 12 Luật phá sản 2014

Những người thuộc trường hợp sau: luật sư, kiểm toán viên và người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Hồ sơ gồm:

– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-01 ban hành kèm theo Nghị định 22/2015/NĐ-CP

– Bản chụp Thẻ luật sư đối với luật sư; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; bản chụp bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

– Giấy tờ chứng minh có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng làm việc;

– 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

=> Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

>> Xem thêm: Điều kiện và trình tự thủ tục mở phá sản theo quy định mới nhất

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với luật sư và kiểm toán viên là người nước ngoài

Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về luật sư, kiểm toán viên là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về kiểm toán muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Hồ sơ gồm:

– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-02 ban hành kèm theo Nghị định 22/2015/NĐ-CP

– Bản chụp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên là người nước ngoài do Bộ Tài chính cấp;

– Bản tóm tắt lý lịch (tự khai);

– 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

>> Xem thêm: Người lao động có quyền mở thủ tục phá sản không?

Nộp hồ sơ

– Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tư pháp thì xuất trình bản chính giấy tờ Thẻ luật sư đối với luật sư; Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; Bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng hoặc Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp; Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên là người nước ngoài do Bộ Tài chính cấp để đối chiếu.

+ Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Bộ Tư pháp khi có yêu cầu thì xuất trình bản chính các giấy tờ sau: Thẻ luật sư đối với luật sư; Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; Bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng hoặc Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp; Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên là người nước ngoài do Bộ Tài chính cấp;

– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho người đề nghị theo mẫu TP-QTV-08 ban hành kèm theo Nghị định 22/2015/NĐ-CP; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

– Người bị từ chối cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên

– Không đủ các điều kiện để hành nghề quản tài viên bao gồm: không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan.

– Thuộc vào trường hợp không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản:

+ Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

>> Xem thêm: Quyền nghĩa vụ của quản tài viên và doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản

Trên đây là tư vấn của Lawkey về vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên xin được gửi tới bạn đọc.