Thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước theo quy định hiện hành

Việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần, trách nhiệm giữa con người với nhau. Đây là cách giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn được thỏa nguyện mong ước làm bố mẹ. Vậy bạn có biết thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước theo quy định hiện hành?

Hãy cùng tư vấn luật Lawkey trả lời qua bài viết dưới đây:

Thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước:

Các bước thực hiện thủ tục được Luật nuôi con nuôi 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi quy định như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ:

Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ và lấy ý kiến:

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tiến hành xong việc lập ý kiến liệu có đồng ý cho làm con nuôi hay không.

Cụ thể, Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Bước 3: Đăng ký nhận nuôi con nuôi:

Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người được hỏi ý kiến nêu trên.

Hồ sơ của người nhận con nuôi và của người được giới thiệu làm con nuôi

Hồ sơ của người nhận con nuôi bao gồm:

  • Đơn xin nhận con nuôi;
  • Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; van bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Giấy khai sinh;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Hai ảnh toan thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
  • Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
  • Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Trên đây là tư vấn của Lawkey về vấn đề mà bạn đang thắc mắc. 

Xem thêm: Không lấy họ cha mẹ cho con có được không