Nguyên tắc khi xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế

Bài viết chia sẻ về những nguyên tắc về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư 166/2013/TT-BTC

Nguyên tắc khi xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế là gì? Cá cá nhân, tổ chức cần nắm rõ để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Hành vi vi phạm quy định về thủ tục thuế

+ Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định;

+ Hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế;

+ Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định; hành vi vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;

+ Hành vi vi phạm trong việc chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

+ Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn.

+ Hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh

Theo đó, tất cả hành vi vi phạm hành chính về thuế phải được ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Những hậu quả do vi phạm hành chính về thuế gây ra phải được cá nhân, tổ chức vi phạm khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Việc xử lý đúng hành vi, đúng mức độ

 Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Chỉ bị xử phạt khi có hành vi vi phạm

Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế khi có hành vi vi phạm hành chính về thuế do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính về thuế chỉ bị xử phạt một lần

a) Một hành vi vi phạm hành chính về thuế đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với hành vi đó. Trường hợp, hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù đã bị người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm thì áp dụng hình thức xử phạt với tình tiết tăng nặng 

Trường hợp, người nộp thuế bị ấn định thuế thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt theo quy định.

b) Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế có dấu hiệu tội phạm đã chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã có quyết định khởi tố vụ án mà trước đó người có thẩm quyền xử phạt đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi đó.

c) Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về thuế thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức ủy quyền cho tổ chức kê khai thuế, quyết toán thuế, căn cứ vào nội dung ủy quyền nếu hành vi vi phạm thuộc trách nhiệm của tổ chức được ủy quyền thì tuỳ theo mức độ vi phạm của tổ chức được ủy quyền bị xử phạt theo quy định.

d) Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về thuế hoặc vi phạm hành chính về thuế nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Trường hợp trong cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều loại thuế khác nhau thì người nộp thuế bị xử phạt về từng hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế đối với từng sắc thuế;

Trường hợp, cùng thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì: hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi vi phạm thủ tục thuế với tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần; trường hợp có hồ sơ khai thuế chậm nộp quá 90 ngày thuộc trường hợp xử phạt về hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định.

Nguyên tắc chứng minh vi phạm

 Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính về thuế của cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính về thuế.

Trên đây là những nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính thuế. Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán thuế vui lòng liên hệ LawKey.

>>> Xem thêm: Phương pháp khấu trừ áp dụng cho các trường hợp nào?