Có tính thuế thu nhập cá nhân với khoản phụ cấp xăng xe hay không?

Lawkey trả lời câu hỏi "Có tính thuế thu nhập cá nhân với khoản phụ cấp xăng xe hay không?" theo các quy định của pháp luật về thuế.

Hiện nay có nhiều công ty hỗ trợ nhân viên với một khoản phụ cấp xăng xe hàng tháng. Vậy khoản phụ cấp xăng xe này có tính thuế thu nhập cá nhân hay không? Hãy cùng tư vấn kế toán thuế Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công quy định như sau:

“Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp…

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.4) Phn khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

…”

Đồng thời, Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

“Điều 6: Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

…”

Kết luận

Căn cứ theo các quy định trên thì trong trường hợp khoản phụ cấp xăng xe, phụ cấp đi lại được hưởng cố định hàng tháng trên bảng lương thì sẽ tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản phụ cấp này. Còn nếu phụ cấp xăng xe chi phí đi lại tính vào khoản công tác phí thì không tính vào khoản chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân (Nhưng phải thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp).

Trên đây là tư vấn của LawKey về câu hỏi “Có tính thuế thu nhập cá nhân với khoản phụ cấp xăng xe hay không?”

>>> Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc