Thủ tục hoành thành nghĩa vụ thuế khi giải thể

Doanh nghiệp có trách nhiệm phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trước khi làm thủ tục giải thể tại phòng đăng ký kinh doanh, cụ thể:

Hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ thuế gồm:

1. Quyết định giải thể doanh nghiệp;

2. Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp giải thể, mà doanh nghiệp còn phải bổ sung thêm các loại giấy tờ sau:

Trường hợp doanh nghiệp tự giải thể, bổ sung thêm Biên bản họp về việc giải thể doanh nghiệp.

Trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của toà án, thì phải bổ sung thêm: Bản sao Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định của Toà án có hiệu lực.

Nơi nộp: cơ quan quản lý thuế trực tiếp của doanh nghiệp.

Thời gian giải quyết: trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý thuế sẽ thông báo doanh nghiệp đang ngừng hoạt động và đang làm thủ tục đóng mã số thuế.

Trong thời gian này, doanh nghiệp phải thực hiện nộp các hồ sơ liên quan và quyết toán các nghĩa vụ thuế  với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Và trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế và cơ quan hải quan thì cơ quan thuế sẽ tiến hành Thông báo doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Doanh nghiệp nên làm thủ tục thanh lý tài sản trước khi làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế khi giải thể. Sau khi thanh lý hết tài sản, doanh nghiệp liên hệ với cơ quan thuế để làm thủ tục hủy hóa đơn GTGT – xem chi tiết tại công việc “Hủy hóa đơn” và quyết toán thuế.

Đối với doanh nghiệp có các đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) thì phải thông báo cho các đơn vị trực thuộc để làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị trực thuộc gồm:

1. Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế (mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC);

2. Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế (bản gốc); hoặc Công văn giải trình mất Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế;

3. Bản sao không yêu cầu chứng thực Quyết định chấm dứt hoạt động đơn vị trực thuộc, hoặc Thông báo chấm dứt hoạt động của đơn vị chủ quản, hoặc Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với đơn vị trực thuộc của cơ quan có thẩm quyền;

4. Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu.

Các đơn vị trực thuộc phải thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng trong khi doanh nghiệp đã chấm dứt mã số thuế thì được coi là sử dụng mã số thuế không hợp pháp.

Trong trường hợp sau khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động mà đơn vị trực thuộc vẫn tiếp tục hoạt động thì đơn vị trực thuộc phải thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được cấp mã số thuế mới hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp.

Để được giải quyết vấn đề giải thể, phá sản doanh nghiệp một cách nhanh chóng và chính xác nhất xin liên hệ hotline của Công ty luật Lawkey. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn Dịch vụ giải thể, phá sản doanh nghiệp trọn gói, giá phí tốt nhất trên thị trường.